0986 333 960
Yêu cầu báo giá

XÂY DỰNG MÔ HÌNH BẢO TÀNG NGOÀI TRỜI Ở KRÔNG NÔ,

XÂY DỰNG MÔ HÌNH BẢO TÀNG NGOÀI TRỜI Ở KRÔNG NÔ,

HỘI THẢO XÂY DỰNG MÔ HÌNH BẢO TÀNG NGOÀI TRỜI, BẢO TỒN TẠI CHỖ HANG ĐỘNG NÚI LỬA Ở KRÔNG NÔ, ĐẮK NÔNG

Sáng ngày 18/02/2019, tại phòng họp Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Ban chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", mã số TN17/T06 đã tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông.

Đến tham dự Hội thảo, về phía Bảo tàng TNVN có PGS.TS. Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng TNVN, các thành viên Hội đồng khoa học Bảo tàng, TS. La Thế Phúc (Chủ nhiệm đề tài) và các thành viên Hội Hang động núi lửa Quốc tế của Bảo tàng TNVN; Về phía Chương trình Tây Nguyên có TS.NCVCC. Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm thường trực, kiêm Chánh văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, TS. Nguyễn Mạnh Hà - Thư ký Chương Trình Tây Nguyên; Về lĩnh vực Di sản văn hóa có TS.Lê Thị Minh Lý – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị DSVH - Hội DSVH Việt Nam; TS.Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam; PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Về lĩnh vực địa chất có PGS. TSKH. Trần Trọng Hòa - Chủ tịch HĐKH Viện Địa chất; GS.Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Hội Khoáng-Thạch học Việt Nam; Về lĩnh vực Tin học công nghệ 3D có các chuyên gia: Nguyễn Văn Cương - công ty TNHH 3D MASTER; Bùi Khánh Tiệp, Lê Quyết Thắng công ty True Tech; Và các nhà khoa học; thành viên thực hiện đề tài và khách mời thuộc các lĩnh vực chuyên môn liên quan.

Đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông" thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan chủ quản, Bảo tàng Thiên nhiên là đơn vị chủ trì thực hiện. Kết quả nổi bật của đề tài trong năm 2018 là đã phát hiện di cốt người Tiền sử trong hang động núi lửa gây “chấn động” giới khoa học trong nước và quốc tế.

Mục tiêu của Hội thảo là lấy ý kiến góp ý cho mô hình bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; nhằm bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý giá trị di sản hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập.

Tại Hội thảo đã trình bày 02 báo cáo “Xây dựng mô hình bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông”; “Thuyết minh sơ bộ công việc số hóa 3D bảo tàng ngoài trời và bảo tồn tại chỗ trong hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông”. Các Báo cáo đã đưa ra một số vấn đề thảo luận về vị trí, hình dáng nhà bảo tàng ngoài trời và nội dung trưng bày nhà Bảo tàng ngoài trời…; Nội dung bảo tồn các loại hình di tích (di tích cư trú, di tích công xưởng, di tích mộ táng và trại săn của người Tiền sử) trong hang C6-1, C6’ và trưng bày các hiện vật; phục dựng/tái hiện sinh cảnh các di tích, vị trí trưng bày hiện vật và các sinh cảnh; Bảo vệ bảo tồn di tích ở hố khai quật để chống: trượt lở vách hố, mưa dột, côn trùng đào khoét, rêu mốc…

Hội thảo đã thảo luận rất sôi nổi, các nhà khoa học đánh giá rất cao kết quả mà đề tài đã đạt được, đánh giá cao và đồng thuận với các ý tưởng đề xuất của đề tài, luôn gắn nghiên cứu khoa học về di sản với thực tiễn bảo tồn - khai thác các giá trị di sản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Những nội dung được quan tâm thảo luận nhiều, đó là xây dựng Bảo tàng ngoài trời dưới dạng mô hình quy hoạch và xây dựng, phát triển du lịch; Nội dung trưng bày bảo tồn tại chỗ các hang đã khai quật để làm nổi bật các loại hình di tích trong hang; phục dựng/tái hiện các sinh cảnh  hoạt động sản xuất, cư trú, mộ táng, chế tác công cụ… của người Tiền sử một cách hấp dẫn, thu hút công chúng nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch trong liên kết vùng và hội nhập. Việc số hóa và tư liệu hóa những hiện vật đã thu thập được là rất cần thiết nhằm bảo tồn di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu/luận chứng khoa học cho việc sử dụng xây dựng các quy hoạch phát triển và xây dựng bảo tàng ảo. Các ý kiến cũng tập trung đề nghị Đề tài tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học, bằng chứng và tính khả thi để bảo tồn và xây dựng Bảo tàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và hiệu quả.

Đại diện Chương trình Tây Nguyên, TS. NCVCC. Nguyễn Đình Kỳ đánh giá cao kết quả ban đầu đề tài đã được, đánh giá cao sự cố gắng của nhóm thực hiện đề tài và của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cảm ơn những ý kiến quý báu của các nhà khoa học. TS. Nguyễn Đình Kỳ cũng đề nghị đề tài tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để kết quả của đề tài có thể phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập.


TS. La Thế Phúc - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo


Chuyên gia Nguyễn Văn Cương - công ty TNHH 3D MASTER trình bày báo cáo


TS. NCVCC. Nguyễn Đình Kỳ phát biểu ý kiến

Nguồn: https://www.vnmn.ac.vn/hoi-thao-xay-dung-mo-hinh-bao-tang-ngoai-troi-bao-ton-tai-cho-hang-dong-nui-lua-o-krong-no-dak-nong-1550654838

 

Đánh giá bài viết
Chọn đánh giá của bạn

Các bài viết khác

Gọi ngay
Zalo