Di tích Hang Xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn
Hang xóm Trại đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ biết tới từ khá sớm. Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 8 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích.
Lần 1: Năm 1975 ông Hà Phùng Tiến - một cán bộ Khảo cổ học khi đi điền dã tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã phát hiện ra địa điểm này;
Lần 2: Năm 1980, nhân chuyến công tác nghiên cứu tại Hoà Bình, Đoàn Địa chất 203 đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) và đã tiếp tục phát hiện ra dấu vết văn hoá nguyên thuỷ ở đây;
Lần 3: Tháng 7 năm 1980, các cán bộ của Viện Khảo cổ học và Đoàn địa chất 203 đã tiến hành điều tra và xác minh địa điểm khảo cổ học hang Xóm Trại;
Lần 4: Nhằm thu thập một bộ sưu tập hiện vật phong phú tìm hiểu về Văn hoá Hoà Bình để chuẩn bị cho Hội nghị khoa học về Văn hoá Hoà Bình, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật hang Xóm Trại trong tháng 5 năm 1981. Trong đợt khai quật này đã thu được 1.150 hiện vật, bao gồm công cụ đá và xương;
Lần 5: Tháng 8 năm 1982, Viện Khảo cổ tiếp tục đào thám sát lại hang Xóm Trại lần thứ hai để xác định trữ lượng tư liệu trong Văn hoá Hoà Bình.
Lần 6: Năm 1986, Tiến sĩ Nguyễn Việt lại phụ trách đoàn khai quật tiến hành khai quật hang lần thứ ba;
Lần 7: Năm 2004, nhằm tìm hiểu thêm tư liệu về di tích Hang Xóm Trại, Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á lại tiến hành điều tra, thám sát hang;
Lần 8: Năm 2008, trong quá trình tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích Hang Xóm Trại, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Bảo tàng Hoà Bình đã phát hiện nhiều tư liệu mới hết sức thú vị về hang xóm Trại;
Những giá trị tiêu biểu:
1. Đã phát hiện số lượng di vật đá xương phong phú nhất lên tới trên 5.000 tiêu bản; Đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân Văn hoá Hoà Bình.
2. Sự xuất hiện hàng trăm hiện vật đá thể khối lớn, trung bình tới 10 kg/hv;
3. Tầng văn hoá khảo cổ rất dày lên tới 5m và trải dài trên bề mặt 200m2 của hang cùng với số lượng vỏ ốc rất lớn tới hàng chục triệu vỏ;
4. Phát hiện vết tích tro bếp dày hàng mét;
5. Phát hiện hệ thống tư liệu nghệ thuật tiền sử sớm nhất hiện biết ở Việt Nam và có thể ở Đông Nam Á.
6. Phát hiện hệ thống hai lối đi cổ tương ứng với thời kỳ bắt đầu đến sống ở hang (trước 21 ngàn năm) và khoảng 8-9 ngàn năm sau những đợt đá rơi đầu toàn tân.
7. Phát hiện một phần của bộ hài cốt cổ nằm trong địa tầng có tuổi C14 khoảng 17 ngàn năm.
8. Phát hiện hệ thống đá khoáng có thể dùng do nhu cầu mất cân bằng dinh dưỡng khoáng nguyên thuỷ.
9. Qua những công cụ đá balzan mài tại hang đã giúp cho việc hoàn thiện tư liệu về kỹ thuật mài sớm trong thời đại đá cũ Việt Nam.
10. Đã phát hiện được rất nhiều mảnh gốm thuộc văn hoá Đa Bút cách ngày nay 5 - 6 nghìn năm, có nhiều mảnh được trang trí hoa văn rất đẹp.
11. Hiện tại di tích còn giữ được nhiều giá trị gốc:
- Các dấu vết đường đi được bảo tồn nguyên trạng;
- Giữ nguyên một phần tầng văn hoá đã hoá thạch bên vách hang;
- Hang được vệ sinh làm xuất lộ dấu tích văn hoá thời kỳ đầu của hang;
- Tầng văn hoá còn rất nhiều trong hang;
Từ những phát hiện mới trên, Hang Xóm Trại đã trở thành địa điểm Văn hoá Hoà Bình tiêu biểu nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2001.
Sau đây là các hình ảnh Công Ty TNHH 3D MASTER triển khai số hóa cảnh sinh hoạt người cổ đại trong hang động: